Tác dụng kỳ diệu của việc ngâm chân mà không phải ai cũng biết
Ngâm chân là một trong những cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh tật và giữ cơ thể khỏe mạnh.
Vì chân nằm xa tim nên thời gian để máu vận chuyển tới đây lâu hơn so với các cơ quan khác. Điều này có thể khiến chân bị thiếu hụt máu và rất dễ nhiễm lạnh.
( Ngâm chân là một trong những cách đơn giản giúp bạn phòng tránh bệnh tật và giữ cơ thể khỏe mạnh)
Trong thời tiết giá rét, nhiều người phòng lạnh cho chân bằng cách đi tất, thậm chí sử dụng các loại tất có chất liệu rất dày và đi cả ngày, kể cả khi ngủ. Tuy nhiên, thực tế thì thói quen này không hề tốt cho chân bởi vì chân sẽ không được thoáng khí. Đặc biệt là sau khi bạn rửa chân xong, chỉ lau khô và đi tất ngay dễ khiến chân bị ẩm ướt, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Đây cũng là lý do vì sao một số người thường bị bệnh nấm chân vào mùa lạnh.
Theo y học cổ truyền, bàn chân có thể xem là bộ phận có nhiều huyệt vị nhất trên cơ thể. Nó liên quan đến lục phủ ngũ tạng, thông suốt từ trong ra ngoài. Nhân dân ta từ xa xưa có câu: “Ngâm chân mỗi ngày, hơn uống thuốc bổ”. Thực tế, ngâm chân là cách đơn giản và hiệu quả nhất để thư giãn tinh thần, kích thích huyệt vị, thông kinh lạc, lưu thông khí huyết, đạt tới hiệu quả thư giãn và bảo vệ toàn diện đối với cơ thể.
Ngâm chân có tác dụng gì?
Mục đích của ngâm chân là để giữ ấm cho chân, tạo điều kiện cho quá trình lưu thông máu được dễ dàng và giúp chân được thoải mái.
Ngâm chân giúp máu vận chuyển trong cơ thể được khai thông, điều chỉnh huyết áp, loại bỏ hàn khí (khí lạnh) và đào thải độc tố. Nhờ đó, bạn tránh được bệnh tật, ngủ ngon hơn và đôi chân luôn được khỏe mạnh.
Dưới đây là một số bài thuốc ngâm chân bằng thảo dược với nguyên liệu dễ chuẩn bị và gần gũi với cuộc sống thường nhật giúp cải thiện sức khỏe rất hiệu quả.
( Ngâm chân giúp cho cơ thể được thư thái, ngủ ngon giấc)
Ngâm chân với nước gừng
Trị cảm mạo
Cắt một miếng gừng bằng ngón tay cái, ngâm trong nước nóng, nhiệt độ nước khoảng 40 độ C. Người bị bệnh cảm mạo ngâm chân với nước gừng có thể ngăn chặn bệnh tình trở nặng.
Người bình thường cũng có thể ngâm chân để tránh hàn khí xâm nhập và phòng trừ các căn bệnh về thời tiết khi chuyển mùa.
Trị phong thấp
Gừng có đặc tính khử hàn, khử phong rất tốt. Người bị phong thấp nên duy trì thói quen mỗi tối ngâm chân bằng nước gừng khoảng 30 phút, bệnh tình có thể nhanh chóng thuyên giảm.
Các thầy thuốc Trung y khuyến khích người bệnh ngâm chân bằng thùng gỗ, mực nước cao tới bắp chân để đạt được hiệu quả tối đa.
Giảm tình trạng lạnh tay chân
Nhờ có công dụng khử hàn, tiêu trừ hàn khí, ôn ấm kinh mạch thì gừng được biết tới như một vị thuốc hữu hiệu trong việc giữ ấm và tăng tuần hoàn máu.
( Ngâm chân nước gừng giúp làm giảm tình trạng lạnh tay chân)
Ngâm chân với muối
Phương pháp ngâm chân với nước muối giúp:
Cải thiện giấc ngủ
Đặc biệt là những người già, nếu ngâm nước muối thường xuyên vào mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn, không bị tỉnh giấc giữa chừng. Cảm giác sảng khoái, thoải mái vào buổi sáng hôm sau.
Làm ấm chân và cơ thể
Những người mắc chứng chân tay lạnh, đặc biệt trong mùa đông nên ngâm nước muối ấm mỗi ngày để giúp khí huyết lưu thông, làm ấm cơ thể. Sau khi ngâm chân xong bạn nên lau khô và đi tất hay cuộn chân vào chăn để giữ ấm.
Trị bệnh ngoài da
Muối có tác dụng kháng khuẩn, diệt khuẩn rất tốt.
Do đó khi mắc các bệnh về da như nấm móng, nấm chân bạn nên ngâm chân bằng nước muối hàng ngày để giúp tẩy tế bào chết cho chân, làm sạch chân, kháng khuẩn và giúp đẩy lùi các bệnh da liễu, nấm chân, nấm móng.
Khử mùi hôi của chân
Ngoài việc giảm đau, mang lại cảm giác thoải mái, sảng khoái thì việc giúp khử mùi hôi chân cũng là một công dụng lớn của việc dùng nước muối ấm để ngâm chân.
( Ngâm nước muối thường xuyên vào mỗi tối trước khi đi ngủ sẽ giúp bạn có giấc ngủ sâu hơn, ngon hơn)
Ngâm chân với nước ngải cứu
Lá ngải cứu còn được Y học cổ truyền gọi là Ngải khao và được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày.
Theo Y học cổ truyền, ngải cứu có vị đắng, cay, ấm, khi ăn sẽ tác động chính vào 3 kinh mạch là tì, gan và thận. Nghiên cứu cho thấy lá ngải cứu có thể làm giảm hàn trừ ẩm, ấm kinh và cầm máu. Rất phù hợp dùng cho những người hay bị mất máu, đau bụng, đau bụng kinh, tử cung chảy máu, các bệnh phụ khoa khác.
Phòng chống lạnh, loại bỏ chứng dư ẩm
Có nhiều người có thể trạng hư hàn, thân nhiệt thấp, lúc nào cũng cảm thấy lạnh. Một nhóm người khác cơ thể dư thừa độ ẩm, hay phù thũng. Theo Y học cổ truyền, ngải cứu có tác dụng rất mạnh trong việc loại bỏ hàn lạnh.
Dùng lá ngải cứu để ngâm chân có tác dụng cải thiện hệ tuần hoàn, lưu thông khí huyết, giúp loại bỏ lượng nước dư thừa trong cơ thể, tác động tới 20 dòng kinh mạch trên cơ thể và điều hòa âm dương trở về trạng thái cân bằng.
Khi khí huyết khỏe mạnh thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, do đó khí hàn lạnh cũng tự nó tiêu tan.
Đối với tác dụng loại bỏ hàn lạnh, kiến nghị mọi người thường xuyên ngâm chân hoặc dùng cách hơ nóng lá ngải cứu đắp vào chân để tăng cường hiệu quả.
( Dùng lá ngải cứu để ngâm chân có tác dụng cải thiện hệ tuần hoàn, lưu thông khí huyết)
Giảm chứng chuột rút
Ngâm chân bằng lá ngải cứu không chỉ có tác dụng thúc đẩy tuần hoàn máu nhanh chóng mà còn có lợi ích lớn trong việc giảm chứng co thắt cơ bắp. Nếu ngâm chân xong tiếp tục mát xa xoa bóp thì hiệu quả càng tuyệt vời hơn.
Ngâm chân là một phương pháp phòng ngừa bệnh tật cũng như giúp cải thiện sức khỏe hiệu quả. Tuy nhiên, việc ngâm chân không được thực hiện bừa bãi mà phải đảm bảo một số nguyên tắc sau:
1. Không ngâm chân trước và sau khi ăn một tiếng. Nên chọn thời gian khoảng 4 đến 5 giờ chiều hoặc 9 giờ tối để ngâm chân. Bạn có thể lựa chọn ngâm chân từ 10 đến 15 phút.
2. Tăng dần nhiệt độ từ lúc mới ngâm cho đến khi cơ thể thấy ấm lên. Không nên cho nước ấm ngay từ đầu và nước quá nóng. Sau khi ngâm chân cần lau khô để đảm bảo không có nước đọng lại ở kẽ bàn chân gây ẩm ướt.
3. Nên cho nước vào chậu sao cho mực nước trên mắt cá chân khoảng 10 đến 15 cm. Bạn cũng có thể ngâm đến cẳng chân nếu muốn tăng tuần hoàn máu và phòng ngừa suy giãn tĩnh mạch.
4. Nên dùng chậu hoặc thùng gỗ thay vì dùng đồ làm bằng chất liệu khác. Vì gỗ giúp hấp thụ các vị thuốc (như nước lá ngâm chân) hiệu quả hơn.
( Nên ngâm chân bằng chậu gỗ vì gỗ giúp hấp thụ các vị thuốc như nước lá ngâm chân, hiệu quả hơn)
Lưu ý :
Khi ngâm chân, máu sẽ chảy về chân nhiều hơn, vì thế có thể bị thiếu máu não, gây chóng mặt, nhức đầu. Người thiếu máu nên cẩn thận đề phòng bằng cách thử từng ít một trước khi tiến hành liệu trình ngâm.
Ngâm chân ngải cứu có hiệu quả tốt, nhưng không phải thích hợp với tất cả mọi người. Phụ nữ bị hành kinh nhiều thì không ngâm trong kỳ kinh nguyệt. Bệnh nhân tiểu đường hoặc người ngâm xong bị sốt thì không nên áp dụng cách này.
Sau khi ngâm, có thể mát xa chân để tăng hiệu quả. Nếu thấy cơ thể ấm lên và hơi ra mồ hôi nghĩa là đã có tác dụng. Ngoài ra, bạn cần uống nước (có thể trong khi hoặc sau khi ngâm chân), nhất là nước đường gừng để giữ cơ thể được ấm áp.
Ngoài việc ngâm đơn dược liệu , bạn cũng có thể phối hợp các loại dược liệu với nhau để tăng cường tác dụng của chúng , ví dụ như : gừng với ngải cứu, lá lốt với muối, ngải cứu với muối , ngải cứu với hồng hoa …
quynhanduong.com