logo

hotlineHotline: 0944 888 188

logoEmail: quynhanduong@gmail.com

logo logo logo

Lưu ý khi sử dụng Xuyên Tâm Liên trong điều trị Covid-19

      Gần đây Bộ Y tế chính thức cho phép vị thuốc Y học cổ truyền  Xuyên Tâm Liên để điều trị Covid-19, Báo chí cũng đã có nhiều bài đăng về thông tin này. Hiện tại nếu chúng ta tìm kiếm trên Google về tên của vị thuốc “ Xuyên Tâm Liên” sẽ có tới trên 130 triệu lượt tìm kiếm, để mua được vị thuốc Xuyên Tâm Liên không phải cơ sở Y học cổ truyền nào cũng còn, nếu có mua được thì giá cũng cao gấp 3 đến 5 lần giá thời điểm trước kia. Nhìn vào thực tế đó chúng ta thấy vị thuốc hiện nay được rất nhiều người quan tâm và sử dụng, nhưng không phải ai cũng am hiểu hết về vị thuốc Xuyên Tâm Liên cũng như những điều cần lưu ý khi sử dụng chúng.

 

( Vị thuốc Xuyên Tâm Liên)

 

Trong thời kỳ bao cấp, kinh tế đất nước ta còn gặp nhiều khó khăn, ngành y tế thiếu thốn nhiều thứ, lúc này vị thuốc Xuyên Tâm Liên được sử dụng rộng rãi điều trị nhiều loại bệnh. Sau này kinh tế ổn định nhiều loại thuốc kháng sinh mới được sử dụng ở nước ta thì vị thuốc Xuyên Tâm Liên lại dần bị quên lãng.

Trước tình hình đại dịch Covid-19 ngày một phức tạp do biến chủng mới delta hoành hành, ngày 16/07/2021, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý khám, chữa bệnh của Bộ Y tế đã thông báo cho phép sử dụng vị thuốc Y học cổ truyền Xuyên Tâm Liên trong điều trị Covid-19. Như vậy vị thuốc Xuyên Tâm Liên lại một lần nữa được xứng tên trong thời điểm đất nước gặp khó khăn.

Vị thuốc Xuyên Tâm Liên còn có nhiều tên gọi khác như: Công cộng; Cây lá đắng; Hùng bút; Nhất kiến kỷ; Khổ đởm thảo; Lãm hạch liên; Cỏ đắng; Cỏ Ấn Độ… Cây thuộc họ Ô rô, mọc thẳng đứng cao đến 1m. Thân vuông, phân nhánh nhiều, cành mọc 4 hướng, lá mọc đối xứng, có cuống ngắn, phiến lá hình trứng, dài 4-6cm. Hoa nhỏ, màu trắng mọc từng chùm ở nách lá hay ở ngọn cành. Quả nang dài 16mm, rộng 3,5mm. Hạt hình trụ, thuôn dài, màu nâu nhạt.

Nguồn gốc của Xuyên Tâm Liên bắt đầu từ Ấn Độ và Sri Lanka, sau đó được di thực và trồng phổ biến ở Nam Á, Đông Nam Á, miền nam Trung Quốc, Việt Nam, khu vực Caribe, Trung Mỹ, Australia và Châu Phi.

Bộ phận dùng của cây Xuyên Tâm Liên để làm thuốc là toàn cây hoặc lá phơi khô.

Tên khoa học: Andrographis paniculata (Burm.f) Ness.

( Thành phần hóa học trong vị thuốc Xuyên Tâm Liên có tác dụng chống lại Covid-19)

 

1. Thành phần hóa học của Xuyên Tâm Liên

Theo tài liệu của Giáo sư Đỗ tất Lợi, Xuyên Tâm Liên có một chất glucozit đắng tên là Andrographiolit (Ind J. Pharm 11.1949:77-78), chất Neo – Andro – Graphiolit (Nature Gr. Br. 1952,169:33 – 34). Tài liệu Trung Quốc phát hiện ở cây Xuyên Tâm Liên bộ phận trên đất có 4 loại Xuyên tâm liên tố A, B, C, D.

Trong cây và lá có các acid hữu cơ, tanin, chất nhựa, đường,… Trong lá có các hoạt chất deoxyan-drographolide 0,1% hay hơn, andrographolide 1,5% hay hơn, neoandrographolide 0,2%, homoandrographolide, panicolide. Còn có andrographan, andrographon, andrographosterin. Rễ chứa mono-O-methylwithtin, andrographin, panicolin, apigenin-7,4′-dimethyl ether. Toàn cây chứa 14-deoxy-11-oxoandrographolide, 14-deoxy -11,12-didehydroandrographolide,… và các panniculide A, B, C.

2. Tác dụng dược lý của Xuyên Tâm Liên

  • Tác dụng chống viêm trên lâm sàng rõ rệt nhưng trên thực nghiệm tác dụng kháng khuẩn không rõ rệt. Các tác giả nhận định chống viêm có thể do thuốc làm tăng tác dụng thực bào của bạch cầu.

  • Bốn loại Xuyên Tâm Liên tố đều có tác dụng kháng viêm và hạ nhiệt. Tính kháng viêm tác động thông qua tuyến thượng thận.

  • Xuyên Tâm Liên tố A, B, C, D trên thực nghiệm đều có tác dụng làm teo tuyến ức chuột nhắt và tác dụng tăng cường chức năng vỏ tuyến thượng thận.

  • Thuốc có tác dụng kéo dài thời gian sống của chuột nhắt bị rắn độc cắn gây suy hô hấp. Thuốc có tác dụng làm sẩy thai ở chuột nhắt và thỏ.

  • Có tác dụng lợi mật ở chuột lớn.

3. Xuyên Tâm Liên theo Y học cổ truyền

  • Tính vị: có vị đắng, tính hàn và không độc.

  • Quy kinh: Phế, Vị, Tâm, Đại tràng, Tiểu tràng.

  • Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, táo thấp cầm lị, chủ trị các chứng: ôn bệnh sơ khởi, phế nhiệt ho suyễn, đau họng ung nhọt, rắn cắn, tiêu chảy, kiết lị, nhiệt lâm, thấp chẩn.

  • Liều dùng: Ngày dùng 12-40g.

4. Ứng dụng lâm sàng của Xuyên Tâm Liên

  • Khởi phát bệnh do sốt nóng gây ra biểu hiện như sốt, đau đầu và đau họng: Dùng phối hợp Xuyên Tâm Liên với Kim ngân hoa, Cúc hoa và Ngưu bàng tử.

  • Nhiệt ở phế biểu hiện như ho và hen hoặc ho có đờm vàng: Dùng phối hợp Xuyên Tâm Liên với Ngư tịch thảo, Cát cánh, Mạch môn, Bách bộ.

  • Trị lỵ do thấp và nhiệt: Dùng độc vị Xuyên Tâm Liên hoặc kết hợp với Rau sam, Kim ngân hoa.

  • Trị mụn nhọt viêm da: Dùng lá tươi Xuyên Tâm Liên giã nát đắp ngoài hoặc có thể đun lá tắm nếu viêm da cơ địa.

  • Trị viêm gan: Xuyên Tâm liên kết hợp với Nhân trần, Chi tử.

  • Trị rắn độc cắn: Nếu bị rắn cắn bạn hái 1 nắm lá tươi giã nát rồi đắp lên miệng vết thương. Mặt khác, lấy 20g cây khô sắc nước uống.

 

( Vị thuốc Xuyên Tâm Liên khô)

 

5. Kết quả nghiên cứu về tác dụng chống COVID-19 của Xuyên Tâm Liên.

  • Tại Ấn Độ, kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Trường Cao đẳng dược JSS (năm 2020) cho thấy, các thành phần hóa học của Xuyên Tâm Liên (andrographolide và dihydroxy dimethoxy flavone) có tác dụng chống lại COVID-19 bằng cách ức chế enzym protease chính của virus này trên thử nghiệm in silico.

  • Tại Indonesia, nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Airlangga (năm 2020) cho thấy, Xuyên Tâm Liên có tiềm năng là chất ức chế protease chính 6LU7 COVID-19. Tuy nhiên, phát hiện này cần được kiểm chứng thêm.

  • Tại Nigeria, một nghiên cứu của Viện Nghiên cứu và Phát triển Dược phẩm Nigeria cho biết, dược phẩm Niprimune, một phytomedicine điều hòa miễn dịch, từ Xuyên Tâm Liên (được người dân địa phương gọi là Jogbo vì vị đắng của nó, nhưng được dân bản địa nói tiếng Yoruba ở Nigeria gọi là Mejemeje) được sử dụng để chữa trị COVID-19 trên đất nước này.

  • Tại Trung Quốc, trong quá trình đẩy lùi đại dịch COVID-19 đã thực hiện chương trình khuyên dùng xiyanping tiêm để điều trị lâm sàng COVID-19. Xiyanping là một chế phẩm chống viêm, kháng virus được phát triển và cấp phép sử dụng ở Trung Quốc. Đây là một sản phẩm tiêm bán tổng hợp có nguồn gốc từ thành phần hoạt tính của cây Xuyên Tâm Liên gồm 9-dehydro-17-hydro-andrographolide và natri 9-dehydro-17-hydro-andrographolide-19-yl sulfate.

  • Tại Thái Lan, tác dụng chống COVID-19 của Xuyên Tâm Liên đã được khẳng định hơn khi cuộc thử nghiệm lâm sàng đầu tiên đã được Viện Nghiên cứu y học cổ truyền Thái Lan (2020) tiến hành trên những bệnh nhân đã biểu hiện triệu chứng nhiễm COVID-19 nhẹ như đau họng, nhức đầu, ho hay sổ mũi. Người bệnh được cho uống 180 mg Xuyên Tâm Liên/ngày, chia đều làm 3 lần vào lúc 6 giờ sáng, 2 giờ chiều và 10 giờ tối, uống liên tục trong 5 ngày. Cuộc thử nghiệm cho kết quả khả quan, trong vòng 3 ngày kể từ khi sử dụng Xuyên Tâm Liên tình trạng sức khỏe của các tình nguyện viên mắc COVID-19 đều được cải thiện.

  • Còn ở Việt Nam, các nhà khoa học đã nghiên cứu cho thấy hoạt chất chiết xuất từ Xuyên Tâm Liên như andrographolide và các dẫn xuất có tác dụng kích thích miễn dịch và kháng vi-rút tự nhiên, chống viêm, hạ sốt, an thần, ức chế sự phát triển của các tế bào khối u, bảo vệ gan, lợi mật, ức chế kết tập tiểu cầu, chống huyết khối, chống nọc rắn, và cải thiện chức năng miễn dịch.

Như vậy, các nghiên cứu khẳng định Xuyên Tâm Liên có thể an toàn để sử dụng cả trước và trong khi nhiễm vi-rút COVID-19.

 

( Nhiều nước trên thế giới đã nghiên cứu và sử dụng vị thuốc Xuyên Tâm Liên trong điều trị Covid-19)

 

6. Lưu ý khi sử dụng vị thuốc Xuyên Tâm Liên

Bộ Y tế cho phép sử dụng vị thuốc Xuyên Tâm Liên trong thời điểm mà dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại do biến thể mới delta hoành hành, và việc tiếp cận nguồn vaccin còn nhiều khó khăn thì đó là một giải pháp tối ưu mọi nguồn lực của nước ta trong cuộc chiến với đại dịch Covid-19. Nhưng khi sử dụng vị thuốc Xuyên Tâm Liên, chúng ta cũng cần phải lưu ý một số điểm sau.

Do tính chất của vị thuốc rất đắng và có tính hàn lạnh nên:

  • Phụ nữ mang thai và cho con bú không nên dùng.

  • Người tỳ vị hư hàn ( đại tiện lỏng, đau bụng do lạnh) thì không nên dùng.

  • Bệnh nhân mắc các bệnh liên quan đến sinh sản, đặc biệt người khó có con không nên dùng.

  • Những người đang dùng thuốc chữa cao huyết áp, chống đông máu warfarin và aspirin giảm đau, không được dùng phối hợp Xuyên Tâm Liên.

  • Những người đái tháo đường đang dùng thuốc hạ đường huyết, những người có vấn đề về gan, thì không nên dùng.

  • Không lạm dụng thuốc dùng quá liều quy định, không dùng thuốc quá dài 5-7 ngày.

  • Chống chỉ định với người dị ứng các thành phần hóa học của dược liệu.

  • Tốt nhất các bạn nên được hướng dẫn bởi thầy thuốc, bác sĩ có chuyên khi sử dụng vị thuốc này.

quynhanduong.com

Quý vị lưu ý mọi sao chép và tham khảo nội dung trong trang website này phải có sự đồng ý của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng nội dung để chữa bệnh.
0944888188