logo

hotlineHotline: 0944 888 188

logoEmail: quynhanduong@gmail.com

logo logo logo

Làm sạch phổi bằng tự nhiên

Kỳ trước Quý Nhân Đường đã giới thiệu cho các bạn cách thải độc đường ruột bằng tự nhiên, kỳ này Quý Nhân Đường giới thiệu tiếp cho các bạn cách làm sạch phổi bằng tự nhiên.

Trong cơ thể hai lá phổi được ví như chiếc máy hút bụi, không khí bên ngoài đi vào cơ thể trước hết phải qua phổi chính vì thế mà phổi rất dễ ảnh hưởng bị tổn thương. Khi gặp môi trường ô nhiễm hay hút thuốc là tác nhân gây phổi bị bẩn và tổn thương nghiêm trọng, ngoài ra việc ăn uống thực phẩm không an toàn cũng là nguyên nhân làm phổi nhiễm độc.

 

( Trong cơ thể hai lá phổi được ví như chiếc máy hút bụi)

 

  • Dấu hiệu nhận biết khi phổi bị tấn công.

Da tối màu, sắc mặt xấu. Hay đi táo bón, tâm trạng buồn bã dễ xúc động, mệt mỏi. Biểu hiện trực tiếp thấy rõ như ho, tức ngực khó thở, thở khò khè, hen suyễn.

  • Dưới đây là một số cách làm sạch phổi bằng những thảo dược tự nhiên:

  1. Quả lê: Quả lê theo y học cổ truyền có vị ngọt hơi pha chút chua, tính hàn bình, có tác dụng nhuận phổi, tiêu đờm, giảm ho, thanh nhiệt, tiêu độc. Trong quả lê có giầu vitamin C, K, B2, B3, B6, chất pectin giúp tăng hệ thống miễn dịch, ngăn ngừa viêm nhiễm ở phổi. Ăn lê không những có tác dụng tốt cho phổi mà còn bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và ngăn ngừa ung thư.

( Ăn lê có tác dụng tăng miễn dịch, ngăn ngừa viêm nhiễm phổi)

 

  1. Củ sen: Theo y học cổ truyền củ sen có vị ngọt, tính hàn, có tác dụng dưỡng âm, làm nhuận phổi, ngưng ho, giải độc, bổ dưỡng huyết. Trong củ sen có chứa axit tannic, vitamin K làm co mạch máu nên ăn củ sen giúp cầm máu, chống viêm phổi. Chỉ với 100g củ sen có thể cung cấp đến 73% nhu cầu vitamin C cần thiết mỗi ngày, vì thế ăn củ sen thường xuyên vào mùa thu sẽ làm tăng sức đề kháng cho cơ thể đặc biệt là Phổi, giúp Phổi ngăn ngừa được các bệnh mạn tính, chống ung thư. Củ sen có thể ăn sống hoặc hầm cùng với xương sườn, móng giò heo, cà rốt, hạt sen,…

( Ăn củ sen có tác dụng dưỡng âm, tốt cho phổi)

 

  1. Quả bưởi: Theo y học cổ truyền múi bưởi vị chua ngọt, tính hàn; vào tỳ, vị, phế. Có tác dụng kiện tỳ tiêu thực, khoan trung hạ khí, nhuận phế hóa đàm, chỉ khái, giải rượu. Trong bưởi chứa lượng lớn chất chống oxy hóa giúp cải thiện chức năng các tế bào trong cơ thể, ăn bưởi còn cung cấp nguồn vitamin C tuyệt vời. Ở những người hút thuốc lá thường xuyên, nếu có thói quen dùng bưởi hàng ngày sẽ làm giảm nguy cơ mắc ung thư , các bệnh lý liên quan đến phổi.

(Trong bưởi chứa lượng lớn chất chống oxy hóa giúp cải thiện chức năng các tế bào trong cơ thể) 

 

  1. Củ mài: Củ mài hay còn gọi là Hoài sơn là vị thuốc quý, cây mọc tự nhiên ở các vùng núi đặc biệt ở vùng núi chùa Hương cây có giá trị dinh dưỡng cao. Theo y học cổ truyền củ mài có vị ngọt, tính bình, tác dụng ích khí dưỡng âm, bổ tỳ phế thận, tốt cho người gầy suy nhược, người bị ho hen, lao phổi. Trong các phương thuốc bổ thì củ mài là một vị thuốc thường xuyên được dùng, củ mài có chứa tới 60% là tinh bột, ngoài ra còn có chất men tiêu hóa mantoza, vitamin C, protit. Củ mài thường dùng để nấu chè ăn giúp bổ dưỡng mát phổi, tăng cường sức đề kháng và ngăn ngừa các bệnh về phổi. Củ mài ngoài nấu chè có thể nấu cùng xương hoặc nấu canh, nấu cháo với thịt sẽ tạo nên món ăn ngon miệng và bổ dưỡng.

(Trong các phương thuốc bổ thì củ mài là một vị thuốc thường xuyên được dùng)

 

  1. Ngân nhĩ: Theo sách y học cổ truyền ngân nhĩ vị ngọt, tính bình, có công dụng tư âm nhuận phế, dưỡng vị sinh tân, thích hợp cho người suy nhược cơ thể, suy nhược thần kinh, mắc các chứng bệnh đường hô hấp, tăng huyết áp, thiểu năng tuần hoàn não, người gầy, miệng khô họng khát, đầu choáng mắt hoa, lòng bàn tay và bàn chân nóng, trong ngực bối rối không yên, hay ra mồ hôi trộm, ngủ kém dễ mộng mị, đại tiện táo, tiểu tiện sẻn đỏ. Ngân nhĩ thường được dùng dưới dạng món ăn, bài thuốc (dược thiện) để bồi bổ sức khỏe và phòng chống bệnh tật như: Ngân nhĩ đường phèn chưng cách thủy, nấu canh ngân nhĩ với thịt hoặc ngân nhĩn dùng phối hợp với các vị thuốc bổ khác như hồng táo, hạt sen, đỗ trọng.

(Ngân nhĩ thường dùng dưới dạng món ăn, bài thuốc dược thiện giúp bồi bổ sức khỏe)

 

Ngoài việc sử dụng thảo dược tự nhiên trên ra chúng ta còn cần lưu ý thêm:

  • Hạn chế ra ngoài khi thời tiết xấu hoặc bảo vệ khi tiếp xúc với môi trường ô nhiễm.

Mỗi một hơi thở mà chúng ta hít vào đều kèm theo những hạt bụi, chất độc trong không khí, kim loại nặng, vi khuẩn, mầm bệnh… đi thẳng vào phổi. Đây cũng là nguyên nhân gây viêm phế quản, hen, lao phổi, nghiêm trọng có thể dẫn đến ung thư. Chính vì thế khi trời nhiều mây âm u, hoặc các hiện tượng thời tiết xấu chúng ta nên hạn chế ra ngoài, tiếp xúc trực tiếp với môi trường thay đổi. Nếu phải đi thì nên đeo khẩu trang để đi ra ngoài, nếu là buổi sáng xấu trời thì càng không nên ra ngoài.

( Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với không khí ô nhiễm để bảo vệ lá phổi của bạn)

 

  • Tạo môi trường trong lành.

 Bằng cách thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, mở cửa sổ và cửa nhà chính để không khí được lưu thông. Sử dụng các sản phẩm làm sạch không có chất độc, hầu hết các sản phẩm mỹ phẩm hóa chất làm sạch nhà cửa đều có chứa chất gây hại cho phổi và cơ thể nên hạn chế sử dụng thay vào đó dùng các chất tự nhiên để làm sạch như: muối, dấm, chanh,…Trồng trong nhà cây xanh có tác dụng thanh lọc không khí như: Cây lưỡi hổ, cây cọ cảnh, cây trầu bà, cây dương xỉ, cây nha đam, cây niên thanh.

( Trồng cây lưỡi hổ giúp thanh lọc không khí trong nhà)

 

  • Không hút thuốc lá, nên uống nhiều nước.

 Nếu bạn thường xuyên ở trong môi trường có người hút thuốc hoặc bản thân hút thuốc, hãy nên uống nhiều nước, nhờ nước thúc đẩy việc xả chất độc hại. Thống kê cho thấy, 80% người bị ung thư phổi có liên quan đến nguyên nhân thuốc lá, vì vậy khuyến khích mọi người không nên hút thuốc lá. Không hút thuốc lá để bảo vệ sức khỏe cho chính gia đình bạn.

( 80% người ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá)

 

  • Thường xuyên thể thao.

Vận động thể thao giúp cơ thể khỏe mạnh và thư giãn, các môn tập thể thảo thao đa dạng từ mạnh như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tập gym cho đến các môn tập nhẹ nhàng như chạy bộ, yoga, thái cực quyền, khiêu vũ hoặc cũng có thể là ngồi thiền. Tùy theo độ tuổi, thể lực chúng ta lựa chọn cho mình một môn tập phù hợp. Thường xuyên vận động thể thao sẽ giúp cho phổi bạn tăng cường sức đề kháng và khỏe mạnh hơn.

( Ngồi thiền có tác dụng thư giãn tốt cho phổi)

Bạn đọc thấy bài viết ý nghĩa chia sẻ cho mọi người!

( Vẫn còn tiếp kỳ sau: Cách giải độc gan bằng tự nhiên)

quynhanduong.com

Quý vị lưu ý mọi sao chép và tham khảo nội dung trong trang website này phải có sự đồng ý của thầy thuốc, không được tự ý sử dụng nội dung để chữa bệnh.
0944888188