Mùa đông vào những ngày giá lạnh khiến nhiều người dễ bị ho gây khó chịu, mất ngủ. Theo y học cổ truyền cơ thể bị nhiễm lạnh sẽ gây thương tổn đến phổi mà gây ho. Sau đây là những bài chữa ho đơn giản và dễ làm rất hiệu quả mà không cần sự trợ giúp của thuốc kháng sinh.
Bài 1: Quả quất chín 4 quả, rau hẹ 20 gam, đường phèn 10 gam. Quất cả quả, rau hẹ rửa sạch bằng nước muối để ráo nước thái nhỏ trộn chung với đường phèn cho vào bát hấp cách thủy 15 phút, lấy ra dầm nhuyễn chắt nước uống. Ngày làm 2 lần, uống trong 3 đến 5 ngày.
Theo y học cổ truyền, quả quất có vị chua, ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng làm khoan khoái, dễ chịu ở lồng ngực, cầm ho, mát phế, trừ đờm.
Rau hẹ có vị cay, ngọt, tính ấm, tác dụng bổ Can, Thận làm ấm sau lưng, trị tiểu nhiều.
Đường phèn có vị ngọt, thanh, tác dụng bổ Tỳ khí, điều hòa các vị thuốc. Đường phèn dùng làm thuốc bổ trong tình trạng suy nhược cơ thể, ăn uống kém.
Bài 2: Quả quất chín 3 quả, mật ong 4 thìa cà phê. Quất cả quả rửa sạch bằng nước muối, để ráo nước sau dầm nát trộn chung với mật ong đem hấp cách thủy 15 – 20 phút. Ngày dùng 2-3 lần, làm 5-7 ngày.
Theo y học cổ truyền, mật ong bổ trung tiêu, làm thuốc bổ toàn thân, sát khuẩn, chữa viêm phế quản.
Bài 3: Chanh đào 1 kg, đường phèn 0,5 kg, mật ong 1 lít. Chanh đào rửa sạch, ngâm qua nước muối trong 30 phút, vớt ra để khô, thái thành lát mỏng. Lấy đường phèn đập nhỏ, cứ một lớp đường lại một lớp chanh. Khi nào hết chanh, đường thì đổ một lớp mật ong lên trên. Sau đó lấy đĩa sành sứ đậy lên. Ngâm chanh trong lọ thủy tinh, bảo quản ở nơi khô ráo thoáng mát. Ngày dùng 2 lần, mỗi lần 10 ml.
Theo y học cổ truyền, Chanh đào có vị chua, tính mát, vào ba kinh Tỳ, Vị, Can, có tác dụng thanh nhiệt, giảm cân, tiêu mỡ, trừ ho, viêm họng, lợi tiểu tiện, kháng viêm, tiêu độc.
Bài 4: Vỏ quýt, vỏ gừng, vỏ chanh (hoặc vỏ cam) mỗi loại từ 10 gam, ô mai 3 quả, mật ong 30 gam. Tất cả để vào chung rồi đem chưng cách thủy lấy nước uống trong ngày. Dùng liền trong 5 -7 ngày.
Theo y học cổ truyền, Gừng vị cay, có tính ấm và kháng viêm, tác dụng điều trị ho, cảm cúm, cảm lạnh.
Ô mai có vị chua nhẹ, tính mát, tác dụng làm dịu họng, giảm ngứa rát họng, khản tiếng và ho.
Ngoài dùng các bài thuốc trên về mùa này cần tránh để cơ thể bị lạnh đột ngột, và nên dùng các thực phẩm giàu năng lượng khi trời trở lạnh do mưa nhiều để duy trì cân bằng thân nhiệt. Giữ ấm cơ thể nhất là cổ, ngực, thường xuyên súc miệng nước muối để hạn chế bệnh nặng thêm. Nếu sử dụng các bài trên mà vẫn không giảm ho, các bạn nên liên lạc với thầy thuốc để được tư vấn.
quynhanduong.com