Y học cổ truyền gọi cảm lạnh là thương hàn có nghĩa là cảm thương phải khí hàn. Vào mùa đông, hàn khí lưu hành, nếu cơ thể suy yếu thì chính khí không thể chống được hàn tà, khiến khí lạnh xâm nhập kinh lạc và tạng phủ, gây cảm lạnh. Chính khí (tức khí dương) là năng lực tự vệ của cơ thể chống lại mọi sự tấn công từ bên ngoài. Khí dương này ở trên bề mặt da vào ban ngày và lui vào trong tạng phủ vào ban đêm. Do đó, người ta dễ nhiễm lạnh nếu nằm ngủ suốt đêm trước quạt máy, nơi có gió lùa hoặc trong môi trường quá lạnh. Thời gian dễ bị cảm lạnh nhất là từ 11 giờ khuya đến khoảng 3 giờ sáng.
( Cây tía tô chữa cảm lạnh)
Người bị cảm lạnh thường cảm thấy những biểu hiện quen thuộc như: thấy gai lạnh dọc sống lưng, đau nhức mỏi cổ vai gáy, hắt hơi, ho khan, chảy nước mũi,….
Sau đây là một vài phương pháp điều trị cảm lạnh đơn giản, dễ làm mà không tốn kém. Đặc biệt khi các bạn sử dụng những thảo dược từ thiên nhiên là con đường đem lại sức khỏe bền vững nhất, tránh được tác dụng phụ và gia tăng tuổi thọ về sau.
( Đánh gió là một phương pháp trị cảm lạnh có từ lâu đời)
1. Đánh gió:
Đánh gió trị cảm là một trong những phương pháp lưu truyền lâu đời và rất phổ biến trong dân gian. Về cách đánh gió cũng rất đa dạng, ở đây tôi giới thiệu cho các bạn cách đánh gió phổ biến và dễ thực hiện như sau:
Cách tiến hành: Bôi dầu, chà xát cho thấm đều vùng dọc hai bên cột sống từ cổ vai gáy xuống, rồi dùng thìa hoặc một đồng xu bằng kim loại cạnh tròn không bén đánh vào vùng đó theo chiều từ trên xuống dưới. Với gừng tươi thì rửa sạch củ gừng, giã nát củ gừng (cả vỏ), vắt nước cốt lên dọc hai bên sống lưng rồi dùng bã chà xát cho đến khi người nóng lên. Dùng khăn khô lau sạch bã gừng.
Lưu ý: Không nhất thiết phải đánh gió đến khi có viết xuất huyết dưới da, mà chỉ cần đánh cho nóng vùng da là được. Không đánh gió với trường hợp cảm nắng, trúng nắng.
( Nồi xông hơi với các thảo dược)
2. Xông hơi:
Phương pháp xông hơi trị cảm cũng là một trong những phương pháp rất lâu đời và phổ biến trong nhân dân. Phương pháp là dùng những thảo dược có tinh dầu cay, nóng và có tác dụng trừ hàn lạnh để xông hơi. Bao gồm các thảo dược như: Lá sả, lá bưởi, lá tre, lá cúc tần, kinh giới, ngải cứu…
Cách tiến hành: Các thảo dược trên mỗi thứ một nắm nhỏ, rửa sạch các loại lá, cho vào nồi nước đậy kín và đun sôi trong 5-10 phút. Người bệnh ngồi trên giường, phủ một tấm chăn mỏng qua đầu và cả nồi nước xông vừa đun xong để giữ hơi nóng. Mở vung nồi thật chậm cho hơi thoát ra từ từ (nếu không sẽ rất nóng và có thể bỏng).
Trong lúc xông phải hít thở thật chậm và sâu để hơi xông lên tác dụng đến đường hô hấp. Mồ hôi sẽ thoát ra từ từ bắt đầu từ trên xuống dưới. Ngừng xông khi thấy trong người đã nhẹ, không còn cảm giác sợ lạnh, sợ gió. Sau đó dùng khăn bông khô lau hết mồ hôi, thay quần áo khô và nằm nghỉ.
Chú ý: Không nên đun sôi kỹ quá nồi nước xông, vì ta sử dụng hơi nước có tinh dầu nên nếu nấu sôi quá 15 phút thì tinh dầu sẽ bay hơi hết và xông ít tác dụng. Không nên ham xông nhiều để cho thoát nhiều mồ hôi, vì như thế thì cơ thể sẽ mất một lúc lượng dịch lớn gây mệt mỏi do mất nước và chất điện giải.
(Cháo giải cảm lạnh)
3. Cháo giải cảm:
Cháo thịt nạc hoặc cháo trứng, thái thêm một ít lá tía tô, hành, kinh giới, gừng tươi ăn nóng. Các dược liệu trên đều có chứa tinh dầu, vì thế khi ăn nên tranh thủ hít hơi nóng bốc lên từ tô cháo càng nhiều càng tốt, bởi vì tô cháo cũng có cả tác dụng như một nồi xông nhỏ.
Lời khuyên của thầy thuốc:
Khí lạnh chỉ xâm nhập cơ thể và gây bệnh được khi khí dương suy yếu hoặc “chìm” vào trong. Các yếu tố làm giảm sức chống đỡ của cơ thể là:
– Lao lực hoặc lao tâm: Làm việc quá sức mà không để ý đến sức khỏe hoặc không có điều kiện bồi dưỡng thì khí dương sẽ bị phân tán, suy yếu.
– Ăn uống lạnh: Ăn uống quá nhiều đồ lạnh làm cơ thể bị khí lạnh tấn công từ bên trong. Do đó, khi gặp khí lạnh bên ngoài, cơ thể không đủ sức chống đỡ.
– Lo buồn thái quá: Lo nghĩ, buồn bực quá nhiều làm ăn uống kém nên cơ thể suy mòn, khí dương suy giảm.
(Giữ ấm trẻ em và người già)
– Khi thời tiết bắt đầu thay đổi, chúng ta – nhất là cụ già và em nhỏ tối ngủ cần mặc ấm, đi tất phòng trời trở lạnh đột ngột, trước khi đi ngủ kiểm tra cẩn thận các cửa sổ, tránh gió lùa. Các em nhỏ khi đi học có thể cho thêm vào cặp sách một cái áo gió, phòng khi gió mùa đông bắc về.
– Các cụ già trước khi đi ngủ nên uống một cốc nước nóng có tí gừng, khi muốn bước ra ngoài sân hay ra ngoài ban đêm, hay trời sáng mở cửa bước ra ngoài chúng ta nên có sự đề phòng gió lùa, nên đứng tránh sang một bên, cho người quen dần với sự thay đổi nhiệt độ, chú ý giữ ấm người, nhất là họng và ngực.
– Khi đã bị cảm lạnh thì cần có sự chăm sóc tốt, ăn tăng cường chất dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể, ăn nhiều hoa quả tươi để tăng sức đề kháng của cơ thể chống lại những biến chứng do các nhiễm trùng cơ hội có thể xâm nhập. Đặc biệt, trẻ em sau một đợt cảm lạnh bị bội nhiễm viêm phổi dễ bị suy dinh dưỡng gầy sút, các bà mẹ cần chăm sóc con hơn nhưng không nên kiêng khem quá kỹ cho trẻ.
Tổng hợp quynhanduong.com